Điều trị bệnh viêm da tróc vảy thế nào?

Em là Nữ, 26 tuổi, E muốn nhờ bác sĩ từ vấn về triệu chứng bệnh của em như sau: hai bên cánh mũi thường bị tróc vảy da màu trắng đục, hay ngứa (nhất là khi nước mưa hắt lên mặt, mũi), mẹ em cũng bị tương tự nhưng viêm da tróc vảy thể mảng còn xuất hiện ở kẽ sau tai và phía trước gần mép tai và má. Xin bác sĩ cho biết đó có phải là bị nấm không? Điều trị thế nào?
(Kim Ngân - Hải Phòng)

Chào bạn Ngân. Chúng tôi xin trả lời câu hỏi của bạn về bệnh viêm da tróc vảy như sau:

Theo bạn mô tả rất có khả năng bạn bị bệnh viêm da tiết bã, là một loại viêm da mãn tính, thường gặp, đặc biệt là gặp ở phái nam nhiều hơn phái nữ, từ tuổi dậy thì trở đi. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là mảng da màu đỏ, tróc vảy ở vùng tiết bã như: da đầu, mặt, rãnh má mũi, rãnh sau tai, ngực lưng, và các nếp.

Về nguyên nhân cụ thể của bệnh vẫn chưa rõ. Tuy nhiên có nhiều nghiên cứu chứng minh có rất nhiều yếu tố tham gia trong bệnh viêm da tiết bã: vi nấm (Malassezia hay Pityrosporum orbiculare), thiếu một số chất như: kẽm, Niacin, Pyridoxine... Ngoài ra còn liên quan yếu tố cơ địa, và có thể liên quan với một số bệnh khác như: bệnh Parkinson, HIV…

Bệnh có khuynh hướng kéo dài, có lúc giảm có lúc tăng (tăng lên nhất là khi bị stress, suy nhược cơ thể, thay đổi khí hậu).

Về điều trị, viêm da tiết bã ở vùng mặt có thể bôi kem có chứa chất chống nấm như: Ketoconazole, Ciclopirox. Rửa mặt hằng ngày với dầu gội có chứa Zinc pyrithione(ZPT),k etoconazole, hay selenium sulfide.

Ở da đầu, sử dụng dầu gội có chứa chất chống nấm như trên hoặc chứa chất Coal Tar, acid salicylic.
Đối với vảy đóng nhiều ở da đầu, bôi dầu khoáng hay dầu Olive 30 phút sau gội sạch.

Trường hợp nặng có thể uống thuốc kháng nấm thích hợp.

Sử dụng thuốc có chứa corticoid giúp làm bệnh mau giảm, nhưng sau đó bệnh dễ bộc phát trở lại nhanh chóng sau khi điều trị, đôi khi nặng hơn.

Ngoài ra có thể bôi Protopic hoặc Elidel khi cần thiết và theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu.

Trường hợp của bạn nên đến khám tại bệnh viện hay bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và có chế độ điều trị đúng, thích hợp.

Ngoài ra bạn cần lưu ý chế độ ăn uống sinh hoạt của bản thân, tăng cường tập luyện thể dục để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng cho có thể. Chúc bạn mau lành bệnh.

Xem thêm: Cách chữa bệnh vẩy cá hiệu quả

Không có nhận xét nào