Bệnh tổ đỉa là gì?

Bệnh tổ đỉa

Bệnh tổ đỉa là một thể đặc biệt của bệnh chàm, khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân và rìa các ngón. Bệnh thường gặp ở tuổi từ 20 – 40, nam nữ có tỷ lệ bằng nhau.

Bệnh tổ đỉa

Đặc điểm của tổn thương là gì?

Bệnh tổ đỉa được các thầy thuốc ngoài da coi như một loại chàm (eczema). Nhưng khác eczema, tổ đỉa chỉ nổi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và rìa ngón tay chân, còn eczema thì có thể gặp ở bất cứ vị trí nào trên da. Mặt khác, mụn nước tổ đỉa thường to, sâu, chắc, khó vỡ hơn mụn nước eczema. Cũng như eczema, tổ đỉa gây ngứa nhiều, bệnh nhân gãi, chà xát làm vỡ mụn nước, dễ thành nhiễm khuẩn phụ, sưng tấy, nổi hạch, có khi phát sốt. Bệnh tiến triển dai dẳng, hay tái phát theo chu kỳ (dân gian gọi là theo tuần trăng) thành mạn tính, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, trở ngại nhiều cho sinh hoạt, lao động nếu không được điều trị đúng đắn.

Mụn nước màu trắng trong là triệu chứng chính, kích thước nhỏ khoảng 1mm, nằm sâu, chắc, khó vỡ, thường tập trung thành từng chùm hơi gồ trên mặt da. Đôi khi nhiều mụn nước kết tụ thành bóng nước lớn. 90% là gặp ở lòng bàn tay và các rìa ngón tay hoặc là chỉ gặp một trong hai chỗ đã nói trên, còn ở lòng bàn chân và rìa ngón chân thì ít gặp hơn. Tổn thương thường đối xứng và bệnh thường không bao giờ vượt quá cổ tay, cổ chân. Bệnh thường xảy ra từng đợt, trước khi nổi mụn nước thường có cảm giác ngứa, rát, một số trường hợp kèm tăng tiết mồ hôi. Mụn nước của bệnh tổ đỉa thường có xu hướng khô ít khi tự vỡ, rồi để lại một điểm dày sừng màu vàng đục, tróc da. Khi bị nhiễm khuẩn thì mụn nước hoặc bóng nước sẽ đục, sưng đỏ kèm theo sưng hạch bạch huyết ở vùng kế cận và người bệnh nóng sốt.

Không có nhận xét nào